02:02 14/07/2020

Phải nỗ lực hết mình để chạm ngõ ước mơ

Danh mục : Gương sáng sinh viên 192 0

Lê Thị Bích, sinh năm 1998, là sinh viên năm 4 Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Cô chia sẻ về quảng thời gian học đại học giúp cô trưởng thành và cả những cố gắng theo đuổi ước mơ nghệ thuật.

Tôi luôn tâm niệm rằng, dù sinh ra ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì bản thân cũng phải nỗ lực hết mình để chạm ngõ ước mơ. Cứ mơ đi, vì chẳng ai đánh thuế ước mơ. Có thể khi tôi nhắc đến ước mơ trở thành người mẫu, diễn viên nhiều người sẽ không ủng hộ, nhiều người dè bĩu chê bai, nhưng cũng có những người luôn động viên, dìu dắt tôi từ những “viên gạch” đầu tiên.

Lê Thị Bích hiện là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: NVCC)
Lê Thị Bích hiện là sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Ảnh: NVCC)

Những năm tháng theo học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam là quãng thời gian cho tôi nhiều điều hơn tôi nghĩ. Có lẽ là gói gọn trong hai từ “Trưởng thành”. Tôi sinh ra ở miền núi rừng xứ Nghệ đầy nắng rát gió Lào, nơi dải đất miền Trung dù nghèo đói nhưng tình người luôn nồng hậu. Hồi còn bé, tôi từng nghĩ, sau này mình sẽ đi đến những nơi xa, sẽ trở thành “vĩ nhân”, “ông nọ bà kia”… Rồi lớn hơn một chút, tôi khao khát trở thành người mẫu, diễn viên, có thể theo đuổi con đường nghệ thuật đến cùng.

Nhưng giữa ước mơ và thực tế thì luôn có khoảng cách nhất định. Mẹ tôi luôn mong tôi có cuộc sống yên ổn, và tôi không muốn mẹ phiền lòng. Bởi ba tôi mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi chúng tôi khôn lớn. Và tôi đã chọn Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, tôi không từ bỏ đam mê nghệ thuật, mà cố gắng nuôi dưỡng từng ngày, bồi đắp từng chút một. Tôi từng mệt nhoài, từng chán nản, nhưng chưa một giây phút nào tôi có ý định từ bỏ. Tôi từng đi bus hơn 30km để học catwalk, từng chập chững bước vào con đường làm mẫu ảnh với những khó khăn không lời. Và hơn hết trong suốt quãng đời sinh viên của mình, tôi chú tâm học hành, hăng say tham gia công tác sinh viên tình nguyện, tham gia hoạt động cộng đồng giúp tôi biết cảm thông, yêu thương mọi người nhiều hơn. Năm 2017, tôi đại diện cho xã tham gia cuộc thi Người đẹp Làng Vạc và dành được giải Nhì. Mọi thứ với tôi đều là sự cố gắng không ngừng nghỉ, cố gắng sống tốt hơn, cố gắng hoàn thiện bản thân mình.

“Ước mơ giống như một con đường chưa có, nhưng con người sẽ khai phá và vượt qua” (Ảnh: NVCC)

Tôi nghĩ, chúng ta được sinh ra với trái tim ấm áp để sẻ chia, cảm thông và thấu hiểu. Cuộc sống sẽ không ngược đãi bạn nếu bạn thực sự chân thành. Tôi còn nhớ, những ngày đầu rời khỏi vòng tay mẹ để ra Hà Nội – thành phố lạ lẫm, nơi mà tôi sẽ tập sống cuộc sống tự lập, tôi đã rất sợ hãi và lo lắng. Những tưởng 4 năm đại học thật dài và bao quanh bởi áp lực, mệt mỏi, nhưng khi đã đi đến chặng đường cuối tôi mới nhận ra, mọi thứ nhanh như một giấc mơ và dư âm mà nó để lại thì quả thật sâu đậm.

Dấu ấn về thời sinh viên của tôi có lẽ là cuộc thi Hoa khôi Kinh tế. Tôi đã dồn hết 200% sự tự tin và nỗ lực, cuối cùng mọi sự cố gắng cũng được đền đáp khi chiếc vương miện cao quý đã thuộc về mình.

Kể từ đó, mọi thứ “dễ thở” hơn đôi chút với tôi. Mẹ tôi động viên tôi, hiểu tôi và luôn cổ vũ cho những việc tôi làm. Bản tôi tôi cũng được mọi người chú ý, nhớ và biết đến. Tôi từng bước chạm đến ước mơ của mình khi trở thành mẫu trang bìa của báo Sinh Viên Việt Nam, tham gia chương trình Bữa trưa vui vẻ trên VTV6, quay TVC… Tôi cũng may mắn là 1 trong 12 bạn thí sinh được đào tạo để trở thành diễn viên phim truyền hình do Trung tâm sản xuất phim truyền hình, Đài truyền hình Việt Nam (VFC) và báo Sinh Viên Việt Nam phối hợp tổ chức.

Cho đến bây giờ, sau khi đã đi một chặng đường dài và gặt hái được những thành công nhất định, điều tôi cảm thấy hãnh diện nhất chính là bản thân chưa bao giờ bỏ cuộc. Bởi thanh xuân này đã cho tôi những bài học quý giá, bài học về sự cố gắng, về hoài bão theo đuổi đam mê và sau tất cả, tôi hạnh phúc.

Ước mơ không phải là cái gì sẵn có, cũng không phải là cái gì không thể có. Ước mơ giống như một con đường chưa có, nhưng con người sẽ khai phá và vượt qua.


LÊ THỊ BÍCH (SINH VIÊN HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM)
Thẻ :

Bài viết liên quan

Bình luận