Ngày 20/4, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng phối hợp tổ chức hội thảo ‘Hành trình khởi nghiệp từ trung học phổ thông’.
Hội thảo diễn ra với 3 nội dung chính, gồm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, hoạt động khởi nghiệp và kỳ thi kiến thức công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực trong các mạng công nghiệp 4.0.
Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh Trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đây cũng là dịp phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có đam mê trong lĩnh vực khoa học công nghệ và khơi dậy tinh thần, khát vọng khởi nghiệp trong giới trẻ tạo nền tảng để các em có thể tiến xa trên con đường lập thân, lập nghiệp sau này.
Tại hội thảo, cán bộ, giáo viên và học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được nghe các giảng viên, doanh nghiệp chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp, các hoạt động khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên.
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Sở GD-ĐT Cao Bằng cũng đã giải đáp những câu hỏi của học sinh liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, các ngành học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khả năng có việc làm sau khi ra trường, hoạt động khởi nghiệp và nhu cầu nguồn nhân lực hiện nay.
Ông Phan Văn Giáp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng, cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2024 – 2030” nhằm tạo bước đột phá trong giáo dục và đào tạo. Cao Bằng là tỉnh miền núi, nông lâm nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, thời gian qua hoạt động khởi nghiệp, khởi nghiệp nông nghiệp cũng được tỉnh rất quan tâm khuyến khích. Tuy nhiên, học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu thông tin, kỹ năng khởi nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, và chuyển giao tri thức mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Học viện hiện có gần 100 giảng viên được phong hàm giáo sư, phó giáo sư, hơn 350 giảng viên có học vị tiến sĩ.
“Học viện đã hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp để bố trí việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Học viện dành gần 30 tỷ đồng/năm để cấp học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên có kết quả học tập, kết quả rèn luyện đạt từ loại khá trở lên. Ngoài ra, Học viện hợp tác với hơn 100 doanh nghiệp để cấp gần 2 tỷ đồng/năm học bổng tài trợ cho sinh viên tài năng, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2014 đến nay, Học viện đã tổ chức 8 cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp, thu hút 1.250 dự án tham gia từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông”, tiến sỹ Nguyễn Công Tiệp cho biết.
Năm học 2024 -2025, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 4 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét tuyển học bạ đợt 1 từ ngày 1/3-10/5 và đợt 2 từ ngày 15/5-20/6/2024.
Bạn đang đọc bài viết Truyền lửa khởi nghiệp cho học sinh Cao Bằng tại chuyên mục Xã hội của Báo Nông Nghiệp Việt Nam. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam xin vui lòng gửi về hòm thư baonongnghiepdientu@gmail.com hoặc số điện thoại, zalo: 0369024447.
Bài viết liên quan
- Hội thảo “Hành trình Khởi nghiệp từ Trung học phổ thông” cho học sinh THPT
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp Sở GD và ĐT tổ chức Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ Trung học phổ thông” tại Nam Định
- Một cơ sở giáo dục đại học có gần 70 câu lạc bộ sinh viên
- Học sinh Thanh Hóa hào hứng với Hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ THPT”
- 'Trúng tuyển sớm' vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam thấp nhất 22 điểm