Nhằm khuyến khích tinh thần nghiên cứu khoa học của sinh viên, Đoàn TNCS Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã cho triển khai 3 đề tài nghiên cứu kết hợp với hoạt động Đoàn trong chiến dịch “Tuổi trẻ Học viện nông nghiệp Việt Nam chung tay xây dựng nông thôn mới” năm 2017.
Tại xã Hồng Thái – huyện Kiến Xương – tỉnh Thái Bình, LCĐ khoa Nông học đã tiến hành nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật ứng dụng trong sản xuất lúa theo nguyên tắc hữu cơ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gạo và cải thiện chất lượng đất lúa. Các đối tượng được sử dụng trong đề tài bao gồm giống Bắc Hương 9 – là giống lúa chất lượng, được đánh giá là giống triển vọng và đề nghị công nhận giống thử tại các tỉnh phía Bắc; phân hữu cơ – có thành phần từ phân gà, than bùn, chế phẩm vi sinh được xử lý theo quy trình của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) có hàm lượng dinh dưỡng cao, dung dịch dinh dưỡng HB – 101 có nguồn gốc tự nhiên, pha trộn từ chiết xuất các loại thực vật giúp cải thiện các quá trình tăng trưởng và chức năng miễn dịch của cây trồng.
Trong 15 ngày hoạt động tại địa phương (26/6- 10/7/2017), ngoài việc tham gia vào các hoạt động tình nguyện hè do huyện đoàn Kiến Xương và đoàn xã Hồng Thái phân công như trồng cây lưu niệm, vệ sinh môi trường các khu di tích lịch sử, thu gom bao bì thuốc BVTV …, nhóm tình nguyện viên đã tích cực tham gia vào công tác xây dựng và bố trí thí nghiệm, chuẩn bị cho các bước tiếp theo trong đề tài nghiên cứu khoa học. Ở bước đầu, nhưng đề tài đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của bà con nông dân; các tình nguyện viên đã có những tư vấn cặn kẽ và cụ thể về vai trò của nông nghiệp hữu cơ, trong đó có lúa hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Song song với đó, LCĐ khoa Nông học đã tiến hành tư vấn và xây dựng thành công 02 mô hình ủ phân hữu cơ có thành phần từ phân gia súc, rơm rạ và chế phẩm vi sinh của HọcViện Nông Nghiệp Việt Nam tại hai thôn Bắc Dũng và Thượng Hoà trong xã. Hoạt động này đã thu hút sự tham gia đông đảo của người dân xã Hồng Thái. Qua đó, người dân đã được tuyên truyền về vai trò của phân hữu cơ trong việc cải thiện năng suất cây trồng và chất lượng đất, tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), qua đó giải quyết các vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng tới nền nông nghiệp xanh bền vững.
Nhóm tình nguyện viên sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá và báo cáo về hiệu quả của đề tài và sẵn sàng chuyển giao công trình nghiên cứu cho địa phương sau khi nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Kết hợp nghiên cứu khoa học và hoạt động tình nguyện hè tại địa phương cho sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một giải pháp giúp gắn chuyên ngành học với hoạt động Đoàn, qua đó sinh viên sẽ được trải nghiệm thực tiễn hoạt động sản xuất nông nghiệp thực tiễn tại cơ sở, được đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, xây dựng và cải thiện kỹ năng nghiên cứu khoa học , giúp sinh viên nhận thức được vai trò thiết thực của nghiên cứu khoa học trong việc gắn với thực tiễn sản xuất tại địa phương.
Một số hình ảnh hoạt động của Đội Tình nguyện
Chuẩn bị dải ngăn cách cho ô thí nghiệm
Tình nguyện viên cấy lúa
Tư vấn và xây dựng quy trình ủ phân hữu cơ
Một số hoạt động khác:
Vệ sinh môi trường
Chăm sóc và giao lưu với trường mầm non
Dọn dẹp nghĩa trang liệt sĩ
Tạ Viết Sáng- UV BCH LCĐ Khoa Nông học
Bài viết liên quan
- Giá trị lớn từ tình nguyện hè
- Hàng loạt sản phẩm giống cây trồng, vật nuôi, thuốc...được các nhà khoa học Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa vào ứng dụng
- Ưu tiên công tác đào tạo nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai
- Nữ sinh Việt có bài báo đăng tạp chí danh mục ISI
- Tuổi trẻ Học viện chung tay xây dựng nông thôn mới tại huyện Ninh Giang – Hải Dương