02:47 07/10/2019

Học viện Nông Nghiệp Việt Nam với công tác Giáo dục chính trị tư tưởng sinh viên đầu năm học 2019-2020

Danh mục : Giáo dục chính trị tư tưởng 102 0

Công tác chính trị, tư tưởng sinh viên là một vấn đề lớn, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là công tác được thực hiện thường xuyên, liên tục, không mang tính thời điểm, phong trào. Đồng thời, công tác này được tiến hành thông qua nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, có tính hệ thống chứ không chỉ gồm những hoạt động riêng lẻ. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới hoạt động giáo dục chính tư tưởng sinh viên giai đoạn đầu năm học thông qua chương trình “Tuần sinh hoạt công dân – sinh viên” của Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm học 2019 – 2010.

 

Toàn cảnh buổi lễ

Toàn cảnh buổi lễ 

GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc buổi lễ

GS.TS. Phạm Văn Cường – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện phát biểu khai mạc buổi lễ 

Để phù hợp với quá trình vận động xã hội, với sự đổi mới về nội dung, phương pháp giảng dạy, học tập trong nhà trường nói chung, trong trường đại học nói riêng, ngay từ năm học 2018-2019, Học viện đã tiến hành đổi mới chương trình Tuần sinh hoạt công dân – sinh viên. Phương pháp thuyết giảng là phương pháp chủ yếu được sử dụng ở những năm trước đã được thay thế bằng phương pháp tọa đàm (áp dụng với khoảng 50% nội dung và dung lượng chương trình). Thông qua phương pháp này, sinh viên được trực tiếp đặt câu hỏi, trao đổi với diễn giả, thầy cô giáo. Ngoài ra, phương pháp thảo luận kết hợp tọa đàm được thực hiện với hơn 40% nội dung và thời lượng. Phương thức diễn giảng chỉ được áp dụng với nội dung Sử dụng và khai thác thông tin, tài liệu tại thư viện (30 phút trong tổng thời lượng 15 tiếng/2 ngày học). Hơn nữa, để tăng sự hấp dẫn của chương trình, Ban tổ chức đã chuẩn bị một số phần quà cho những sinh viên tích cực tham gia đàm thoại. Về nội dung, những đổi mới đã thoát khỏi những quy tắc tồn tại lâu nay, các nội dung về chính trị không còn mang tính kinh viện mà mang tính thực tiễn, thực chất. Theo đó, chương trình đã được cấu trúc thành 05 chuyên đề: (i) Chuyên đề 1 về tình yêu quê hương, đất nước; ý thức trách nhiệm công dân có nội dung tình yêu quê hương, đất nước; chủ quyền biển đảo; chính sách giáo dục và đào tạo (đào tạo đại học) của Đảng và Nhà nước; Lý tưởng, hoài bão của sinh viên; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ý thức trách nhiệm xã hội của sinh viên; (ii) Chuyên đề 2 về tình hình chính trị, kinh tế – xã hội, an ninh trật tự có nội dung là tình hình chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước và Hà Nội; Các vấn đề xã hội trực tiếp tác động tới sinh viên (tôn giáo, biểu tình, an ninh mạng, bán hàng đa cấp; cá độ, lô đề, nghiện game, ma túy, an toàn giao thông, thuốc lá; sống thử, tình yêu và sức khỏe sinh sản; y tế học đường; bảo hiểm y tế…); (iii) Chuyên đề 3 về truyền thống, cơ cấu tổ chức, chiến lược phát triển Học viện; vấn đề việc làm, khởi nghiệp sinh viên với các nội dung cụ thể bao gồm: truyền thống của Học viện, cơ cấu tổ chức, chiến lược phát triển Học viện; thành tựu và những đổi mới trong đào tạo và NCKH của Học viện đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực thời đại công nghiệp 4.0, nông nghiệp CNC và yêu cầu học tập đối với sinh viên; Tình hình lao động, việc làm và yêu cầu của doanh nghiệp về lao động, việc làm; kỹ năng tiếp cận và tham gia thị trường lao động, khởi nghiệp sinh viên; (iv) Chuyên đề 4 về các thông tin quy định về đào tạo tín chỉ, các chương trình đào tạo (POHE, CTĐT đặc biệt, CTTT, CTCLC); mượn giảng đường; mở lớp đặc biệt…; Sử dụng và khai thác thông tin, tài liệu tại thư viện; Quy định về công tác sinh viên; chế độ chính sách và học bổng sinh viên, quy định công lao động sinh viên, quản lí hồ sơ sinh viên; và (v) Chuyên đề 5 về hoạt động bổ trợ cho sinh viên, công tác đoàn hội với các thông tin về cơ hội học tập kĩ năng mềm, ngoại ngữ, du học, thực tập nước ngoài, trao đổi tín chỉ cho sinh viên Công tác Đoàn, Hội và hoạt động xã hội của sinh viên, văn hóa giảng đường.

 

Chương trình Tuần sinh hoạt Công dân – sinh viên năm học 2019-2020,

 phương pháp tọa đàm được thực hiện với khoảng 50% nội dung và dung lượng chương trình 

            Những đổi mới trong chương trình Sinh hoạt công dân – sinh viên của Học viện Nông nghiệp Việt Nam nêu trên là sự “đi trước” so với hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tới năm học năm 2019-2020 này tại chương trình Hội thảo, tập huấn về công tác giáo dục chính trị và học sinh, sinh viên, thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển đảo năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào trung tuần tháng 7 năm 2019 tại thành phố Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, những đổi mới về nội dung và phương pháp của chương trình Tuần sinh hoạt công dân – học sinh, sinh viên mới được đề cập rõ nét. Cụ thể, Hội thảo đã đề cập đến các chuyên đề nóng, bao gồm: Quản lý mạng xã hội, thực trạng và giải pháp; Nội dung, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với vấn đề Biển Đông và vai trò của học sinh, sinh viên trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; Hướng dẫn kỹ năng quản trị mạng xã hội, giới thiệu chương trình an toàn giao thông trên mạng xã hội.

 

TS. Vũ Ngọc Huyên – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Trưởng khoa LLCT&XH và TS. Nguyễn Tất Thắng – Phó Trưởng ban CTCT&CTSV, Chủ tịch Công đoàn Học viện giới thiệu về Quá trình xây dựng và phát triển của Học viện 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 2929/BGDĐT-GDCTHSSV về việc hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân – HSSV” trong các trường ĐH, CĐSP, TCSP năm học 2019-2020 với mục tiêu là thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện cho SV, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của SV trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin đầy đủ, kịp thời đến SV về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và quốc tế; chủ trương, chính sách mới của ngành Giáo dục. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định về đào tạo, giáo dục chính trị và công tác SV, chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật… giúp SV hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của công dân – SV, trước hết là quyền lợi và trách nhiệm trong học tập bậc đại học nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo và rèn luyện đối với SV; nắm được phương hướng nhiệm vụ năm học, chương trình, kế hoạch đào tạo và nhu cầu của xã hội; có được các kiến thức, kỹ năng sống; hiểu biết về Học viện, yêu trường, yêu nghề…, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã xác định các nội dung căn bản trong chương trình Tuần sinh hoạt Công dân – Sinh viên như sau:

Thứ nhất là nội dung về đường lối, chủ trương của Đảng liên quan tới đào tạo và SV: Quán triệt những nội dung cơ bản trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng liên quan đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng và SV; Các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; chú trọng nội dung liên quan tới giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường trong thời đại công nghiệp 4.0. Tiếp tục quán triệt và thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành Giáo dục. Thực hiện chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 về xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Gắn học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cho SV phù hợp ngành đào tạo và trách nhiệm học tập, rèn luyện của SV trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai là nội dung về các vấn đề pháp lý của Nhà nước liên quan tới SV: Quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, nội dung liên quan tới người học trong các đạo luật: Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018… Luật Giao thông; Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin và các quy định của pháp luật về quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trên Internet, mạng xã hội, phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh, giáo dục, hướng dẫn sử dụng, khai thác hiệu quả thông tin trên Internet, mạng xã hội. Công ước quốc tế về Luật Biển, Luật Biển Việt Nam; về chủ quyền biển, đảo và chiến lược biển của Việt Nam; hình thức và phương pháp đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo Việt Nam; vai trò, trách nhiệm và hành động của thanh niên, sinh viên đối với chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Các văn bản liên quan đến công tác an ninh, an toàn trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật trong sinh viên; phòng, chống ma túy, bạo lực học đường, sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật… trong trường học. Các quy chế, quy định về đào tạo, chế độ chính sách, công tác SV của Bộ GDĐT và của Học viện; các nội dung, yêu cầu trong đào tạo theo tín chỉ và học tập đáp ứng nhu cầu của xã hội; Thông tin về chính sách tín dụng cho SV; Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ trong ngành Giáo dục; Quyết định của Bộ trưởng Bộ GDĐT về Kế hoạch triển khai thực hiện chính sách thu hút và tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ của ngành Giáo dục.

Thứ ba là nội dung về Học viện và các quy định của Học viện liên quan đến SV: Truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam qua 63 năm xây dựng, trưởng thành; Những dấu ấn, những gương mặt tiêu biểu, điển hình…; Cơ cấu tổ chức của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; các tổ chức của sinh viên tại Học viện: ĐTN, HSV; các câu lạc bộ chuyên môn, sở thích, văn hóa, văn nghệ; giáo dục kỹ năng sống, rèn luyện thân thể do Học viện tổ chức. Sơ đồ và phân khu chức năng của Học viện Nông nghiệp Việt Nam; các khu vực hỗ trợ hoạt động học tập, thể dục, thể thao, văn hóa, đời sống thường ngày của sinh viên; các khu vực lân cận Học viện liên quan đến học tập, rèn luyện, việc làm thêm… cho sinh viên. Các quy định về công tác sinh viên: Quy định dạy và học theo học chế tín chỉ; quy định về công tác sinh viên; quy định về văn hóa học đường; quy định về sử dụng thư viện… Tuyên truyền về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên; tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; tăng cường phối hợp, kết nối với doanh nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm cho sinh viên; mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm và chính sách của chính phủ đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên.

Ngoài ra, chương trình có sự khác biệt đối với từng nhóm đối tượng sinh viên được học tập. Theo đó Chương trình giáo dục công dân đầu khoá học: Dành cho SV K64. Trang bị những kiến thức cần thiết ban đầu cho SV khi mới nhập học, định hướng ngành nghề đào tạo tại Học viện. Triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ứng xử văn hóa và hiểu biết, ý thức trách nhiệm công dân thực thi pháp luật, quyền và nghĩa vụ của công dân – SV; hướng dẫn, tổ chức SV tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động, các chương trình văn hóa, văn nghệ, các hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội, các chương trình học bổng cho SV, tín dụng đào tạo… Chương trình giáo dục công dân giữa khóa học: Dành cho SV từ năm học thứ hai, không gồm năm cuối. Trang bị các nội dung, kiến thức, thông tin mới của năm học 2019-2020, học tập các chuyên đề về các vấn đề liên quan đến SV, các nội dung chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, nghề nghiệp, trách nhiệm với cộng đồng; các chương trình cấp học bổng của doanh nghiệp cho SV; phòng chống tệ nạn xã hội, ma túy mại dâm; các vấn đề toàn cầu; yêu cầu hội nhập quốc tế; định hướng và hỗ trợ khởi nghiệp cho SV… Và Chương trình giáo dục công dân cuối khoá học: Dành cho SV năm cuối, chuẩn bị tốt nghiệp. Trang bị một số kiến thức về khởi nghiệp, kỹ năng xin việc và làm việc hiệu quả, tổ chức cho SV gặp gỡ các doanh nghiệp, tiếp cận thông tin về nguồn nhân lực, lao động, việc làm; Học tập nội dung các bộ luật liên quan như Lao động, Công chức, Viên chức, Luật Thương mại… để vận dụng ngay sau khi tốt nghiệp. Thông tin tín dụng SV và trách nhiệm hoàn vốn đối với nhóm SV tham gia vay vốn.

Chương trình Tuần sinh hoạt Công dân – Sinh viên đối với khóa mới, khóa 64, của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã được khai mạc vào sáng ngày 29/07/2019 và diễn ra trong vòng 6 ngày từ ngày 29/07 đến ngày 03/08.

Ban CTCT&CTSV – TT QHCC&HTSV

Bài viết liên quan

Bình luận