09:09 08/12/2018

Nữ sinh Việt có bài báo đăng tạp chí danh mục ISI

Danh mục : Gương sáng sinh viên 261 0

Tạp chí uy tín quốc tế đã đăng bài báo khoa học về nghiên cứu giống mai vàng Việt Nam của Đặng Hoàng Trang, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đặng Hoàng Trang (23 tuổi) là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc năm 2018 của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, hiện học thạc sĩ tại Pháp theo học bổng toàn phần Erasmus Mundus của Liên minh châu Âu. Đây là một trong ba học bổng danh giá Trang đạt được, cùng với học bổng toàn phần của chính phủ Thụy Điển và New Zealand.

Đặng Hoàng Trang – thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện du học tại Pháp theo học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu. Ảnh:NVCC.

Chọn trường Nông nghiệp dù đỗ Đại học Ngoại thương

Năm 2013, Trang thi đỗ hai đại học là Ngoại thương (khoa Quản trị kinh doanh) và Nông nghiệp Hà Nội (khoa Công nghệ sinh học). Đứng trước lựa chọn lớn của cuộc đời, cô gái Hà Nội 18 tuổi khi ấy mất nhiều đêm trăn trở, cân nhắc.

“Nông nghiệp đã và đang tạo nên thương hiệu cho Việt Nam trên thế giới, nhưng lại có xu hướng dựa dẫm nhiều vào nguồn giống cây trồng vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… từ các nước khác. Điều này dẫn đến sự thiếu bền vững trong sản xuất”, Trang nói.

Nhận thức tồn tại trên là cơ hội để các nhà khoa học về nông nghiệp ở Việt Nam có thể thỏa sức nghiên cứu, sáng tạo, Trang quyết định bỏ Đại học Ngoại thương để trở thành sinh viên khóa 58 Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Trải qua kỳ thi tiếng Anh với số điểm đạt được cao nhất, Trang được chọn vào học chương trình Công nghệ sinh học chất lượng cao (kéo dài 4,5 năm) cùng 49 sinh viên khác. Chương trình được dạy bằng tiếng Anh, với rất nhiều kiến thức học thuật chuyên sâu, thuật ngữ chuyên ngành. Dù nền tảng ngoại ngữ tốt, nắm chắc kiến thức các môn Sinh, Hóa từ thời THPT, đến năm học thứ hai Trang và các sinh viên vẫn chật vật với việc viết tiếng Anh chuyên ngành.

Sau lần mất một tháng hoàn thành bài tập tóm tắt một chương trong cuốn sách chuyên ngành bằng tiếng Anh dày 30-40 trang thành 3-5 trang với lời văn của chính mình, kỹ năng ngoại ngữ, chuyên ngành của Trang được cải thiện. Em thích đọc nhiều bài báo quốc tế về kỹ thuật mới trong công nghệ sinh học, tự tin làm nghiên cứu khoa học, viết báo cáo/bài báo đăng tạp chí tiếng Anh.

Có nhiều nghiên cứu khoa học được tham dự hội nghị quốc tế

Từ năm 3 đại học, Trang đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học. Em đưa ra ý tưởng và chịu trách nhiệm chính thực hiện đề tài Nghiên cứu ứng dụng chiết xuất thảo dược, nano bạc trong việc ngăn ngừa bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas oryzae gây ra (nhóm thực hiện gồm 5 người).

PGS Nguyễn Thanh Hải, Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học thực vật (khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp), đánh giá đây là đề tài hay, hướng nghiên cứu mới có giá trị nhưng khá phức tạp. Nhóm của Trang đã phải làm rất nhiều thí nghiệm từ chiết xuất 5 loại thảo mộc, đánh giá và phân tích chất lượng dịch chiết, thử hoạt tính hóa học, thử hoạt tính sinh hóa trong phòng thí nghiệm, thử hoạt tính trên cây lúa bị lây nhiễm bệnh trên đồng ruộng. Các thí nghiệm đều cần tính chính xác cao trong điều kiện vô trùng và phải lặp lại nhiều lần để đảm bảo số liệu thống kê đáng tin cậy.

“Khi nghiên cứu, đã có lúc em ở lại phòng thí nghiệm đến 7h tối mà không nhận ra. Khi bụng kêu vì đói, em mới nhớ là mình chưa ăn gì. Các thành viên khác trong nhóm cũng phải làm việc hết công suất”, Trang kể lại, mỉm cười nhớ về ngày nghiên cứu thành công.

Kết quả nghiên cứu nhóm Trang đạt được mở ra hướng ứng dụng mới của dịch chiết các loại thảo mộc quen thuộc, giúp thay thế thuốc bảo vệ thực vật hiện có đã dần kém hiệu quả do tính kháng ở vi khuẩn. Nghiên cứu này sau đó được đăng trên tạp chí tạp chí Khoa học Nông Nghiệp Việt Nam (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), báo cáo tại hội thảo quốc tế The 3rd International Symposium on EuroAsian Biodiversity tại Thổ Nhỹ Kỳ.

Đặng Hoàng Trang thuyết trình nghiên cứu làm chung với giáo sư người Nhật tại Đại học Tsukuba (Nhật Bản) năm 2018. Ảnh:NVCC.

Năm 2018, Trang là một trong 40 sinh viên của nhiều nước được chọn tham gia chương trình tài trợ toàn phần nghiên cứu về Sinh lý thực vật tại Đại học danh tiếng nhất Nhật Bản về công nghệ sinh học – Tsukuba. Thông thường, chương trình ưu tiên sinh viên học ngành y sinh và dược, nhóm ngành liên quan đến thực vật – môi trường chỉ 5-7 chỉ tiêu. Các sinh viên Đại học Y Hà Nội, Y Dược TP HCM, Viện Công nghệ sinh học (Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) do đó thường trúng tuyển.

“Năm em tham gia có hai bạn được chọn ngoài các đại học tên tuổi đó. Cách lựa chọn của chương trình là gửi CV và đơn ứng tuyển đến giáo sư phụ trách từng bộ môn để họ lựa chọn. Giáo sư phụ trách nói rằng nhìn thấy đam mê và quyết tâm của em toát lên trong từng câu chữ – điều khiến thầy tin rằng em chính là người phù hợp nhất”, Trang kể. Từ khóa học này, nữ sinh người Việt rút được nhiều bài học quý giá về giá trị của nghiên cứu khoa học cơ bản trong giải đáp các vấn đề tự nhiên và tạo ra những tiến bộ vượt bậc cho nhân loại.

Tác giả chính của bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI

Tháng 1/2018, tạp chí International Letters of Natural Sciences thuộc danh mục tạp chí uy tín thế giới ISI đăng bài báo Nghiên cứu về đa dạng di truyền của tập đoàn giống mai vàng tại Việt Nam, tác giả đứng tên đầu là Đặng Hoàng Trang (sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam). PGS Đồng Huy Giới (Trưởng bộ môn Sinh học, khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và PGS Trần Đăng Khánh (Trưởng bộ môn Kỹ thuật di truyền, Viện Di truyền nông nghiệp AGI) là đồng tác giả.

“Trang tự thực nghiện các nghiên cứu, tự viết bài báo, các thầy chỉ hướng dẫn quá trình làm, chỉnh sửa lại bài viết. Đây là điều rất hiếm sinh viên Việt Nam làm được do yếu ngoại ngữ, tiêu chuẩn đề tài nghiên cứu đăng trên tạp chí ISI lại cao, đòi hỏi tính mới/sáng tạo, hàm lượng khoa học lớn. Việc có một bài báo đăng trên tạp chí úy tín thế giới này là hiếm với sinh viên, với những nghiên cứu sinh tiến sĩ cũng là một thách thức”, PGS Khánh nói. Ông cho biết, bài báo Trang đứng tên chính được chấp nhận đăng chỉ một thời gian ngắn sau khi tạp chí International Letters of Natural Sciences nhận được bài.

Bản chất bài báo quốc tế là khóa luận tốt nghiệp của Đặng Hoàng Trang, với mục tiêu chính là chứng minh cây hoa mai ở Yên Tử là cây đặc thù, bản địa của Việt Nam, không phải du nhập từ nước ngoài về. Đề tài khóa luận của Trang được giảng viên hướng dẫn – PGS Đồng Huy Giới đánh giá là khó bởi cây mai có rất ít công trình nghiên cứu cả ở Việt Nam và thế giới. Mặt khác, đề tài gồm hai mảng nội dung liên quan đến hai lĩnh vực kiến thức lớn là: đánh giá đặc điểm hình thái, giải phẫu của các giống mai Việt Nam và đánh giá đa dạng di truyền của các giống mai Việt Nam bằng chỉ thị phân tử.

Đặng Hoàng Trang (áo khoác đỏ) thăm cơ quan Bảo hộ giống cây trồng EU. Ảnh:NVCC.

Quá trình nghiên cứu, nữ sinh Học viện Nông nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Em phải đi 2-3 lần đến các tỉnh Quảng Ninh, Bình Thuận, TP HCM… để thu thập mẫu lá do thí nghiệm bị hỏng. Việc hiếm tài liệu tham khảo cũng là trở ngại để Trang tìm ra phương pháp phù hợp thực hiện nghiên cứu.

“Thách thức lớn nhất với em là việc tách triết AND của cây mai. Từ trước đến nay ở Việt Nam chưa có ai làm điều này để đánh giá cây mai ở góc độ phân tử. Trên thế giới cũng chỉ một trường đại học ở Hà Lan nghiên cứu về loài cây này. Em phải thử rất nhiều phương pháp, thất bại bao lần mới có thể thành công”, Trang kể.

Em nhớ lại khoảng thời gian chán nản đến mức định chuyển đề tài dễ hơn vì mãi không tách triết AND, trong khi các bạn cùng khóa dù làm khóa luận sau 4 tháng đã ra được kết quả nghiên cứu bước đầu. 9 tháng thực hiện đề tài, Trang liên tục phải ra khỏi nhà từ 5h sáng để bắt xe bus đi gần 30 km từ Gia Lâm đến Viện Di truyền nông nghiệp (đường Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm) làm thí nghiệm. Buổi trưa chỉ kịp lót dạ bánh mì trên xe bus, em lại bắt xe về trường cũng ở Gia Lâm để học các tín chỉ cuối cùng. Không ít lần ban ngày bận học, Trang lên phòng thí nghiệm vào tối và làm đến 22-23h.

Sự chăm chỉ, thông minh, ham học hỏi, khả năng nghiên cứu khoa học tốt, đặc biệt là tiếng Anh vượt trội, là những điều các giảng viên hướng dẫn ấn tượng về Đặng Hoàng Trang. Khóa luận của em được chấm 9,6 điểm – mức hiếm có ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Với thành tích các năm đều là sinh viên giỏi/xuất sắc, điểm học tập toàn khóa của em do đó xấp xỉ tuyệt đối là 3.8/4. Đặng Hoàng Trang trở thành thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc học viện năm 2018 (có hai sinh viên được trao danh hiệu thủ khoa nhưng điểm của Trang cao hơn).

Giới khoa học thường phấn đấu công bố nghiên cứu trên các tạp chí thuộc ISI và Scopus do có uy tín với hệ thống bình duyệt khó khăn. Viện Thông tin khoa học ISI (Institute for Scientific Information) được thành lập bởi nhà khoa học Mỹ – Eugene Garfield vào năm 1960, sau đó sát nhập vào tập đoàn Thomson Reuters. Với hơn 10.000 tạp chí khoa học, ISI sẽ đánh giá, xếp hạng theo các lĩnh vực.

Cũng như ISI, Scopus là hệ thống dữ liệu khoa học với hơn 20.000 tạp chí chuyên ngành trong các ngành khoa học kỹ thuật, y tế, và xã hội, trong đó lĩnh vực xã hội là chủ yếu.

Chất lượng các tạp chí thuộc hai hệ thống trên được đánh giá dựa trên hệ số ảnh hưởng IF (Impact Factor) chia làm bốn nhóm từ quarter 1 đến 4. Chỉ số này được tính bằng tổng số lần bài báo đó được trích trong hai năm chia cho tổng số bài được trích dẫn. Ví dụ, nếu tạp chí có 100 bài trong hai năm 2016 và 2017 và được trích dẫn 200 lần thì IF của năm 2018 là 2.

(Quỳnh Trang – vnexpress.net)

Bài viết liên quan

Bình luận